Với những độc giả yêu thích thể loại phiêu lưu, thì chắc hẳn không còn xa lạ gì với “80 ngày vòng quanh thế giới” của nhà văn Jules Verne, một trong những tác phẩm kinh điển của thể loại này.
Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng với Chồi Non thực hiện một chuyến vòng quanh thế giới trong 80 ngày, từ Ấn Độ, Hồng Kông sang tới tận nước Mỹ, băng rừng, vượt biển,…
80 ngày vòng quanh thế giới (tiếng Pháp: Le Tour du monde en quatre-vingts jours) là một tiểu thuyết phiêu lưu cổ điển của nhà văn Pháp Jules Verne, xuất bản lần đầu tiên năm 1873. Trong truyện, Phileas Fogg ở London và tùy tùng người Pháp vừa thuê tên là Passepartout cố gắng đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày để đạt giải thưởng 20.000 bảng Anh do bạn của ông tại Câu lạc bộ Cải cách đưa ra.
Đi cùng với người tùy tùng Passepartout, ông rời London bằng tàu hỏa vào 8 giờ 45 tối ngày 2 tháng 10 năm 1872, và hẹn sẽ quay trở lại Câu lạc bộ Cải cách cùng thời điểm vào 80 ngày sau đó, vào 21 tháng 12. Ông đã gặp những rắc rối như thanh tra Fix hay soi mói, đại tá Proctor, chủ tàu Speedy, bị người bản địa tấn công, bị ra trước tòa án, vào ngục, con tàu Tankadere gặp bão, người giúp việc Passepartout bị chuốc rượu say nhưng cuối cùng ông đã vượt qua với lòng dũng cảm, kiên cường, bình thản trước khó khăn phải vượt qua.
Khởi đầu chuyến phiêu lưu bằng vụ cá cược đầy mạo hiểm
Như hầu hết các tác phẩm khác của Jules Verne, nhân vật chính là một quý ông lịch lãm, điềm đạm, phóng khoáng, giàu có và bí hiểm.
Nhân vật chính của tám mươi ngày vòng quanh thế giới là Phileas Fogg – một quý ông người Anh, có cuộc sống giàu sang, chỉn chu. Ông là một người lạnh lùng, ít nói, không biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài.
Một ngày nọ, trong Câu lạc bộ Cải Cách, Fogg nghe mọi người bàn tán về vụ đánh cắp tiền ở ngân hàng. Một số người cho rằng kẻ trộm rất có thể là một quý ông, và rồi họ bắt đầu bàn luận về một bài báo nói đến việc con người có khả năng đi vòng quanh thế giới trong vòng 80 ngày.
Trong khi mọi người đều cho rằng làm gì có chuyện 80 ngày có thể vòng quanh thế giới, thì Fogg, người luôn tin tưởng vào lý trí và tính toán, đã quả quyết rằng điều đó là có thể. Ông đã đặt cược 20.000 bảng Anh rằng mình sẽ đi vòng quanh thế giới trong vòng 80 ngày hoặc ít hơn. Nếu Fogg trở về đúng thời điểm, ông sẽ thắng 5000 bảng Anh, còn nếu không thì 20.000 bảng Anh sẽ được chia cho các bạn của ông.
Quyết định của Fogg khiến mọi người kinh ngạc. Một số người cho rằng ông đang cố tỏ ra mình là một người quý tộc có cái tôi quá cao. Vì trong chuyến đi này, rất có thể Fogg sẽ gặp phải sự cản trở của thời tiết, hay chuyện vận tốc tàu không như tính toán, vấn đề cướp biển,… có thể làm chuyến đi kéo dài hơn thời gian dự kiến.
Nhưng rồi, chuyến hành trình của Fogg và người hầu tên Vạn Năng đã bắt đầu ngay trong đêm đó…
80 ngày vòng quanh thế giới – Tính cách thực sự của Phileas Fogg bộc lộ
Fogg và người hầu Vạn Năng rời cảng nước Anh, nhưng không chỉ đi 2 người mà một anh cảnh sát nữa cũng đi theo, anh ta tên Fix. Fix đi theo Fogg vì nghĩ rằng ông chính là kẻ đánh cắp tiền ở ngân hàng mà mọi người đang bàn tán.
Khi đến Ấn Độ, Vạn Năng bị phạt vì tội vi phạm tục lệ của Ấn Độ, lúc đó Fogg đã dành tiền của mình để bảo lãnh cho anh ta.
Trên đoạn đường đi tiếp theo, họ gặp một đoàn người Bà La Môn đang muốn thi hành hủ tục thiêu sống một người vợ trẻ cùng ông chồng già đã chết của cô ta. Tuy vội, nhưng họ quyết định giúp và cứu cô gái ấy; đồng thời cho cô gái đó đi theo hành trình của mình.
Họ tới Hồng Kông! Ở đây, Fix muốn giữ chân họ để đợi giấy bắt giam Fogg nên ông đã chuốc rượu và thuốc phiện cho Vạn Năng nhằm chia cắt anh và ông chủ, điều này khiến Fogg và người hầu bị lỡ chuyến tàu và lạc mất nhau.
Tuy lỡ tàu nhưng với ý chí sắt đá, suy nghĩ linh hoạt, thông minh và gan dạ, Fogg đã tìm được cách dời Hồng Kông để đến địa điểm tiếp theo đúng hạn.
Ở Nhật, Fogg gặp lại Vạn Năng, ông không trách người giúp việc của mình mà còn cho anh tiền mua thêm quần áo. Vạn Năng sau đó cũng gặp Fix đang bám theo Fogg nên sôi máu tức giận, nhưng Fix đang có chiến lược khác, hắn muốn Fogg về Anh càng sớm càng tốt vì hắn đã có lệnh bắt Fogg.
Họ dời Nhật sang Mỹ. Đến nước Mỹ, họ đã phải đối mặt với một nhóm người có súng ống. Nhóm người này đã nổ súng trên tàu, khiến một số người bị thương. Fogg, với lòng dũng cảm và nhân nghĩa, đã quyết định đuổi theo nhóm người đó để giải cứu những người bị bắt làm con tin. Cuối cùng, ông đã tìm thấy con tin và giải cứu thành công.
Sau rất nhiều chông gai, Fogg và người hầu đã về tới London lúc 8h50 phút, chậm hơn 5 phút so với dự kiến và ông nhận mình đã thua.
Nhưng thật may mắn, trong chuyến đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày, Fogg đã đi về hướng Đông nên ông được lợi một ngày. Và cũng vào lúc đó, người phụ nữ Ấn Độ được Fogg cứu sống đã tới bên ông, thú nhận tình cảm của bà dành cho ông và ông cũng thế.
Ông nhờ Vạn Năng đi tới nhà thờ để đặt chỗ cho lễ cưới. Hành trình dài khép lại bằng những niềm vui, chiến thắng vẻ vang của Phileas Fogg.
Chuyến đi vòng quanh thế giới đã mang đến cho Fogg nhiều trải nghiệm thú vị, nhưng cũng không kém phần thử thách. Ông đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, như bị lỡ tàu, bị bắt giam, bị truy đuổi,… Nhưng ông luôn giữ vững tinh thần và bình tĩnh vượt qua mọi khó khăn.
Qua chuyến đi 80 ngày vòng quanh thế giới, độc giả cũng đã hiểu rõ hơn về con người thật của Phileas Fogg. Ông là một người lạnh lùng, bí ẩn, nhưng cũng rất nhân hậu, dũng cảm. Ông đã cứu người hầu Vạn Năng khỏi nguy hiểm nhiều lần, thậm chí là liều cả tính mạng để cứu anh. Ông cũng đã giúp đỡ những người gặp khó khăn trong chuyến hành trình của mình.
Ngoài ra, Fogg còn là một người rất trách nhiệm. Ông luôn hoàn thành mọi việc một cách xuất sắc, kể cả những việc nhỏ nhất. Ông cũng rất coi trọng trách nhiệm của một người chủ. Ông luôn tin tưởng và giao việc cho người hầu Vạn Năng, dù anh ta hay gây ra rắc rối cho ông.
Bài học quý giá từ tám mươi ngày vòng quanh thế giới
Với mình, tám mươi ngày vòng quanh thế giới là tác phẩm vô cùng đặc sắc, hay “không có nhưng” với chuyến hành trình kỳ thú, hấp dẫn của quý ông Fogg và người hầu Vạn Năng cùng những bài học quý giá về cuộc sống.
Bài học đầu tiên là về lòng dũng cảm và quyết tâm. Phileas Fogg đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong chuyến đi của mình, từ những rắc rối do viên cảnh sát Fix và người hầu Vạn Năng gây ra, đến những nguy hiểm của thiên nhiên và con người. Tuy nhiên, ông luôn giữ vững lòng dũng cảm và quyết tâm của mình để hoàn thành mục tiêu, để chứng minh cho mọi người thấy rằng “không gì là không thể”.
Bài học thứ 2 mà mình rút ra được từ cuốn sách này là về lòng nhân hậu. Fogg đã thể hiện lòng nhân hậu của mình khi cứu sống người phụ nữ đang bị thiêu sống theo nghi thức hủ tục của người Bà La Môn. Ông cũng đã nhiều lần tha thứ cho người hầu Vạn Năng trước những rắc rối mà anh ta gây ra.
Bài học thứ 3 mà mình nhận thấy là tinh thần ham học hỏi. Trong chuyến đi của mình, Fogg đã có cơ hội khám phá nhiều nền văn hóa khác nhau. Ông đã học hỏi được rất nhiều điều về thế giới xung quanh.
Bài học cuối cùng trong tác phẩm này là đừng vội vàng đánh giá ai đó qua vẻ bề ngoài. Cảnh sát Fix “bám đuôi” Fogg vì nghĩ rằng ông là kẻ quý phái đã đánh cắp tiền của ngân hàng. Fix nghi ngờ Fogg từ việc ông ta luôn luôn tỏ ra lạnh lùng, bí hiểm, giàu có mà không ai biết ông ta lấy tiền đó từ đâu.
Đọc xong 80 ngày vòng quanh thế giới, mình thấy bản thân đã không phí phạm thời gian, tiền bạc để mua cuốn sách này về đọc. Cuốn sách như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng rằng, để đạt được thành công, chúng ta cần có ý chí, nghị lực và không ngại mạo hiểm. Những người chỉ biết an phận thủ thường, không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân sẽ khó có thể đạt được những thành tựu to lớn.